Logistics hàng không vẫn khó 'cất cánh'

Tiềm năng phát triển logistics hàng không Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, nếu không tháo gỡ những nút thắt về chi phí, cơ sở hạ tầng... thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ khó phát triển, từ đó gây áp lực trong việc vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa.

Ông Lê Vương Quốc, Giám đốc công ty cổ phần Gemix Việt Nam, chuyên xuất khẩu trái cây tươi, cho biết việc đưa nông sản sang Thụy Sĩ không hề đơn giản vì nước này không có cảng biển. Trong khi Việt Nam không có chuyến bay thẳng sang Thụy Sĩ nên doanh nghiệp này phải vận chuyển hàng hóa chuyển qua nước thứ ba.

Thiếu đường bay, chi phí cao

Chẳng hạn như muốn xuất trái cây tươi bằng đường hàng không thì phải đi vào TP. HCM, sau đó chuyển qua Ý hoặc Pháp. Thời gian vận chuyển sẽ kéo dài khoảng hơn 2 ngày nên khó tối ưu được việc xuất khẩu.

“Chi phí vận chuyển quả tươi bằng đường hàng không là khoảng 15 USD/kg nhưng phải chuyển qua nước thứ ba nên chi phí đội lên, doanh nghiệp vì thế mà chỉ xuất được số lượng nhỏ. Trong khi giá cước hàng không của Thái Lan luôn rẻ hơn Việt Nam ít nhất khoảng 30%, họ lại có chuyến bay thẳng sang Thụy Sĩ nên chỉ tính riêng vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp Việt đã thua Thái Lan”, ông Quốc cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, chia sẻ vận chuyển nông sản bằng đường hàng không sẽ bảo đảm chất lượng và rút ngắn thời gian hơn so với đường sắt và đường biển. Thế nhưng, chi phí cước logistics hàng không của Việt Nam cao hơn so với các nước khác chính là điểm hạn chế.

Theo ông Tùng, nhiều hãng hàng không Việt Nam chưa xây dựng các đường bay đến các nước như Thụy Sĩ, Canada, Mỹ… nên xảy ra tình trạng phụ thuộc vào các hãng hàng không nước ngoài. Và khi có rủi ro, giá tăng thì chính doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chịu thiệt, sản phẩm nông nghiệp nước ta vì thế cũng khó xuất khẩu, khó cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp của các nước khác.

Có nhiều tiềm năng nhưng trong một hội thảo gần đây, ông Wackerbauer Lars, cố vấn cấp cao của IPP Air Cargo, thẳng thắn cho biết doanh nghiệp này quyết định đầu tư vào logistics hàng không bởi trên 80% thị phần ngành logistics Việt Nam đang nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử khiến đối tượng vận chuyển của logistics hàng không sẽ ngày càng đa dạng hơn.

Vị này cũng chỉ rõ, điểm khó cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam hiện nay chính là giá cước vẫn còn cao. Các doanh nghiệp hàng không đầu tư nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp đi liền với hạ tầng hạn chế nên không chỉ vận chuyển quốc tế mà ngày vận chuyển trong nước cũng phải qua nhiều cung khác nhau.